Theo Luật doanh nghiệp Việt Nam 2005 thì có 4 loại hình doanh nghiệp
phổ biến nhất hiện nay là: Doanh Nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành
viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên
và công ty cổ phần.
Luật này cũng quy định rõ tính chất, trách nhiệm,
cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức… của từng loại hình khác nhau:
1. Doanh Nghiệp Tư Nhân.
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự
chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của
doanh nghiệp
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp đơn giản nhất, cơ cấu
gọn nhẹ nhất phù hợp nếu một mình bạn bỏ vốn kinh doanh trong thị trường
nhỏ. Doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho khách hàng hơn các loại
hình khác do quy định “chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình”.
Tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có quy định ngành nghề giống
nhau, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi thì các ngành nghề kinh doanh
sau khách hàng thường lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân: Dịch vụ
phụ vụ cà phê, nước giải khát, dịch vụ ăn uống, bán buôn, bán lẻ vật
liệu xây dựng, bán tạp hóa, bán văn phòng phẩm, quà lưu niệm, bán buôn,
bán lẻ thực phẩm…
2. Công ty TNHH một thành viên.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây
gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các
khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều
lệ của công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.
- Không được giảm vốn điều lệ
Đây là loại hình khá đặc biệt và khá phổ biến ở Việt Nam nhờ cơ cấu
tổ chức gọn nhẹ, đơn giản, chủ sở hữu cũng chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn
trong phần vốn điều lệ đã đăng ký của công ty. Chủ sở hữu có thể là cá
nhân hoặc tổ chức, có thể thuê, mướn giám đốc/ tổng giám đốc (Người đại
diện theo pháp luật). Loại hình này phổ biến với rất nhiều ngành nghề
kinh doanh. Nếu bạn là 1 tổ chức muốn thành lập 1 công ty con, hoặc cá
nhân có đủ năng lực tài chính thì đây là 1 loại hình kinh doanh phù hợp
nhất.
3. Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn là doanh nghiệp, trong đó: có 2 Thành
viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá năm
mươi; Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản
khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp;
Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại
các điều 43, 44 và 45 của Luật này.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn không được quyền phát hành cổ phần.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành
viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Được quyền chuyển nhượng phần vốn góp, thay đổi thành viên góp vốn
Đây là loại hình phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, phù hợp với mọi
quy mô, lĩnh vực kinh doanh. Nếu bạn muốn hùn với với cá nhân hoặc tổ
chức để kinh doanh thì đây là sự lựa chọn thích hợp.
4. Công ty cổ phần
- Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia
thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá
nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối
đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản
khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ
đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật này.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn.
- Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người
đại diện theo pháp luật của công ty được quy định tại Điều lệ công ty
Nếu bạn muốn mở công ty có ít nhất 3 cá nhân hoặc tổ chức thì cổ phần
là loại hình phù hợp. Đây là lựa chọn của đa phần các công ty lớn, kinh
doanh những ngành nghề đòi hỏi vốn, kinh nghiệm và uy tín như; Bất động
sản, khách sạn, du lịch… Tuy nhiên nó phù hợp cho tất cả các ngành nghề
kinh doanh pháp luật Việt Nam cho phép.